Sau màn li khai thất bại với Super League, BLĐ MU đang phải trả giá. Nhưng quy kết trách nhiệm như thế nào vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời ở Old Trafford, nơi mà dường như chỉ mình Ed Woodward có trách nhiệm?
Super League đình trệ vô thời hạn nhưng giới truyền thông chỉ bao vây trước tư dinh của Woodward tại London chứ không phải ở Washington DC hay New Orleans, nơi ở của 2 đồng chủ tịch Joel và Avram Glazer.
Woodward đương nhiên phải trả giá cho hành động của mình. PCT điều hành MU (cho đến hết năm 2021) bị bạn thân là chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin gọi là "rắn độc" sau màn đâm sau lưng ngoạn mục. Với tư cách là thành viên của Ủy bản chiến lược của UEFA và Hiệp hội CLB châu Âu, Woodward vừa đi họp và "cho ý kiến" vào kế hoạch cải tổ Champions League, vừa là cầu nối huy động vốn thành lập... Super League.
Woodward đã xin từ chức, kết thúc 16 năm làm việc ở MU, có hiệu lực từ năm sau. Nhiều thông tin cho rằng việc này nằm trong tính toán của Woodward từ trước khi Super League được công bố, nhưng khi tình hình xấu đi, ông buộc phải công khai để tránh bị lộ ra ngoài.
Woodward có tội hay không? Thật khó để nói không. Nhưng vào lúc này, vẫn có người cho rằng Woodward chỉ có một cái tâm "trong sáng" muốn cải tổ bóng đá châu Âu. Dù nó có tên là Champions League hay Super League, Woodward vẫn muốn có sự thay đổi, nhưng không phải với thể thức có 15 đội mặc định.
"Kẻ thù" thực sự của fan MU là ai?
Woodward chỉ là "bia đỡ đạn" cho nhà Glazer, điều này chắc chắn không bao giờ sai. Ceferin căm thù Woodward vì họ từng là bạn thân nhưng nhắc để tất cả cùng nhớ, Joel Glazer mới là phó chủ tịch của Super League, bên cạnh Andrea Agnelli, phụ tá cho chủ tịch Florentino Perez.
Nhưng khi chuyện bất thành, chỉ mình Woodward chịu báng. Về phần nhà Glazer, hãy tin là họ chẳng mấy quan tâm tới dư luận. Gia đình tài phiệt người Mỹ này từng đạp lên tất cả để mua lại MU vào năm 2005. Chiến dịch vàng xanh rầm rộ của cộng đồng fan MU vào năm 2010 cũng chẳng khiến họ dao động. Trong năm tài khóa trước, khi MU vẫn nợ tới 466 triệu bảng, nhà Glazer vẫn rút ra 23,2 triệu bảng lợi nhuận. Bạn hỏi nhà Glazer có dám không? Họ không những dám mà còn làm trước cả khi đó rồi!
Làn sóng giận dữ của fan MU chỉ như cơn sóng thần nhìn từ TV với giới chủ Mỹ. Khác với Woodward, căn hộ của họ không bị fan tấn công bằng pháo sáng vào tháng 1 năm ngoái, đến mức phải chuyển đi nơi khác. Họ cũng hiếm khi nhận phỏng vấn, và màn xuất hiện mới đây của Joel Glazer nhân dịp Super League là sự kiện hiếm của năm.
Cựu danh thủ Gary Neville đòi nhà Glazer phải đi theo Woodward. Nhóm fan trung thành của Quỷ đỏ cũng yêu cầu điều tương tự. Nhưng kể cả có đi ngược lại lịch sử, Glazer cũng dám làm thì đừng mong họ sẽ theo chân "bia đỡ đạn" của mình.
Chỉ cần còn lợi ích, Glazer vẫn sẽ đeo bám MU. Đây là kịch bản chung của John W Henry ở Liverpool và Stan Kroenke ở Arsenal. Thế nên, đừng kì vọng quá nhiều vào một cuộc thanh lọc ở thượng tầng.